TTO – Máy thở là gì? Máy thở cần thiết như thế nào trong điều trị bệnh nhân COVID-19? Ngoài máy thở, các bệnh viện cần những máy hỗ trợ nào cho việc chữa trị bệnh này?
Nghe nói một trong những nguyên nhân khiến bệnh nhân COVID-19 tử vong là do thiếu máy thở. Vậy máy thở là gì, hoạt động như thế nào? Việt Nam có bao nhiêu máy thở? Máy thở cần thiết như thế nào trong điều trị COVID-19?
(Nhiều bạn đọc)
– Ông Nguyễn Trung Cấp (trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương): Trong y học phân biệt 2 loại máy thở là máy thở không xâm nhập (CPAP, BiPAP) và máy thở xâm nhập (phải mở khí quản người bệnh để đặt ống).
Máy thở không xâm nhập CPAP bản chất là cái quạt tạo ra một dòng khí có áp lực dương để hỗ trợ động tác hít vào của bệnh nhân, khi đó bệnh nhân chỉ cần một động tác nhẹ đã có thể hít vào và đỡ tốn sức. Tuy vậy, áp lực dương này sẽ cản trở động tác thở ra. Vì đơn giản cho nên thiết bị này rẻ tiền hơn trong số các loại máy thở.
Máy thở BiPAP hiện đại hơn, nó cảm nhận được thì hít vào của bệnh nhân để nâng áp lực hỗ trợ lên cao và cảm nhận thì thở ra của bệnh nhân để hạ áp lực xuống thấp, để bệnh nhân hít vào dễ và thở ra không bị cản trở.
Máy thở xâm nhập là những máy thiết kế cho những bệnh nhân nặng, phải thở qua ống nội khí quản, khi đó máy sẽ kiểm soát hoạt động hô hấp của bệnh nhân. Do phải đáp ứng nhiều yêu cầu hô hấp của bệnh nhân nặng nên máy có nhiều phương thức thở khác nhau, thậm chí có thiết bị đã tích hợp đa năng cả thở xâm nhập và không xâm nhập.
Trừ máy thở CPAP rẻ hơn, các máy thở đắt rẻ khác nhau phụ thuộc độ tinh vi của phần mềm điều khiển, độ nhanh nhạy chính xác của bộ vi xử lý và các sensor, độ bền, thương hiệu và các chức năng kèm theo. Một chiếc máy thở đắt đỏ một phần do một model chỉ sản xuất vài ngàn chiếc.
– Ông Nguyễn Gia Bình (nguyên trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai) cho biết theo nghiên cứu chung của các nước đang điều trị dịch COVID-19, cứ 1.000 bệnh nhân sẽ có 200 bệnh nhân nặng hơn, khoảng 50 người trong đó là nặng nhất sẽ phải sử dụng máy thở loại xâm nhập.
Như ở Việt Nam, trong 239 bệnh nhân cho đến nay (chiều 4-4) đã có 5 người phải sử dụng máy thở xâm nhập, ngoài ra có một số bệnh nhân phải hỗ trợ thở oxy. Hiện 3/5 bệnh nhân này đã qua giai đoạn nguy hiểm, còn 2 người (đều là bệnh nhân người Việt Nam và đều là nữ giới, 1 người 64 tuổi và 1 người 88 tuổi) đang tiếp tục thở máy, nhưng bệnh nhân 64 tuổi đang được tính toán để cai dần thiết bị hỗ trợ thở.
Về số lượng máy thở hiện có, Bộ Y tế cho biết báo cáo của các bệnh viện toàn quốc cho biết cả nước có khoảng 6.000 máy thở. Vừa qua, Bộ Y tế đã mua thêm 200 máy và đang tiến hành mua tiếp đợt 2. Tiểu ban hậu cần của Ban Chỉ đạo chống dịch quốc gia đã lên dự trù và đang tiến hành thương thảo để mua thêm máy thở, máy chụp X-quang, thiết bị theo dõi bệnh nhân… từ nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
* TP.HCM hiện có bao nhiêu máy thở? Ngoài máy thở, các bệnh viện cần những thiết bị y tế nào trong điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19?
Bạn đọc Trần Minh Thành (TP.HCM)
– Theo ông Tăng Chí Thượng (phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM) , hiện các bệnh viện của thành phố có trên 1.000 máy thở. Số lượng này tuy chưa phải lớn nhưng có thể đáp ứng được nhu cầu điều trị cho các bệnh nhân hiện tại, đặc biệt bệnh nhân nhiễm COVID-19.
Ngoài máy thở, ông Thượng cho rằng một loại máy hỗ trợ điều trị COVID-19 khá thiết thực hiện nay đó là máy đo độ bão hòa oxy trong máu. Máy này điều dưỡng rất cần để đo mạch, đo nồng độ oxy trong máu (Sp02) và theo dõi suy hô hấp cho bệnh nhân nhiễm COVID-19. Ngoài ra, máy đo huyết áp điện tử, máy thở chuyên dụng cho cấp cứu ngoại viện là những trang thiết bị y tế (nếu có) sẽ hỗ trợ rất nhiều trong quá trình chăm sóc, điều trị bệnh nhân.
Các loại máy này dễ mua, chi phí thấp nên có thể mua với số lượng lớn để phân bổ cho nhiều nơi đang cần sử dụng. Đặc biệt sau khi hết dịch, máy này còn có thể sử dụng theo dõi cho nhiều loại bệnh khác nhau.
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ
Link: https://tuoitre.vn/may-tho-can-thiet-ra-sao-voi-benh-nhan-covid-19-20200405002442678.htm
Xem thêm: